Bạn là sinh viên công nghệ thực phẩm và đang tìm hiểu về ngành nghề này? Bạn muốn biết QA ngành thực phẩm là gì và có vai trò như thế nào? Vậy thì bài viết này là dành cho bạn.
Thật ra công việc QA cùng với R&D là một trong số ít công việc được hạn chế xuống nhà máy cũng như không cần phải làm theo ca kíp ảnh hưởng đến sức khỏe nên được rất nhiều bạn sinh viên quan tâm.
>> Có thể bạn quan tâm Sinh viên Công nghệ thực phẩm ra trường làm QC, QA hay làm Sản xuất thì tốt hơn?
QA là gì?
QA là viết tắt của Quality Assurance, có nghĩa là Đảm bảo chất lượng. Đây là một bộ phận trong hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp, chịu trách nhiệm kiểm tra, đánh giá và đảm bảo chất lượng của sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các yêu cầu của khách hàng và các tiêu chuẩn chất lượng đã được thiết lập.
Hiểu đơn giản thì một quy trình sản xuất bánh tại nhà máy không chỉ có quy trình sản xuất gồm các công đoạn: nhào bột, cắt bột, nướng bánh,… là có thành phẩm mà còn phải đi kèm quy trình kiểm soát chất lượng như xác định, lập kế hoạch, thực hiện và xem xét lại.
Công việc QA chính là nằm ở bước rộng hơn tức là ngăn những yếu tố có thể là rủi ro ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ví dụ, quá trình bảo quản bột trong kho có thể sinh độc tố nấm mốc và QA cần dự đoán được điều đó lên kế hoạch phòng ngừa bằng cách đưa ra nhiệt độ phù hợp để bảo quản.
Công việc của QA là gì?
Hiện nay, ở các công ty thực phẩm của Việt Nam, công việc QA sẽ có sự thay đổi phụ thuộc vào quy định chất lượng mà nhà máy đề ra. Ví du có QA chỉ chuyên về lập kế hoạch phòng ngừa và đảm bảo chất lượng như HACCP, ISO ở nhà máy A nhưng khi sang nhà máy B, vẫn là vị trí QA, nhân viên lại có trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất theo các công đoạn của công nhân….

Một số công việc phổ biến của nhân viên QA là:
- Xây dựng quy trình chất lượng cho sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc giac (TCVN), tiêu chuẩn quốc tế (Phổ biến nhất là ISO 9001:2015) hay các tiêu chuẩn quốc tế khác để phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng mục tiêu hay quốc gia sản xuất. Nếu đã có sẵn các tiêu chuẩn thì nhân viên QA có thể làm công việc xây dựng kế hoạch kiểm tra hóa lý, kiểm tra sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm, nguyên liệu, xây dựng HACCP/GMP, bảng mô tả sản phẩm và các quy định liên quan
- Thực hiện đánh giá định kỳ và hiệu chỉnh cho phù hợp.
- Thực hiện soạn thảo các giấy tờ liên quan đến an toàn và chất lượng của sản phẩm đang sản xuất.
- Tiếp và làm việc với các đoàn đánh giá trong và ngoài nước.
- Giải quyết các vấn đề xảy ra trong sản xuất liên quan đến chất lượng và an toàn thực phẩm.
QA có cần thiết trong nhà máy thực phẩm hay không?
Câu trả lời là có. QA là một bộ phận quan trọng trong nhà máy thực phẩm, có vai trò đảm bảo chất lượng sản phẩm thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như duy trì tài liệu và quy trình.
Tuy nhiên, trên thị trường tuyển dụng hiện nay, có rất nhiều công ty tuyển dụng nhân viên QA nhưng thực chất chỉ tuyển nhân viên QC. Nhân viên QC chỉ chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn đã được thiết lập, trong khi nhân viên QA cần có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu để tham gia vào tất cả các giai đoạn của quá trình sản xuất, từ khâu lựa chọn nhà cung cấp đến khâu phân phối sản phẩm.
Việc bỏ qua bộ phận QA có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Sản phẩm không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn và vệ sinh.
- Khó phát hiện và khắc phục các vấn đề về chất lượng.
- Tăng chi phí sản xuất và kinh doanh.
- Giảm uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp

Tạm kết
Như vậy, QA thực phẩm là một vị trí quan trọng trong ngành thực phẩm, có nhiệm vụ đảm bảo chất lượng toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm, từ nhà cung cấp đến nhà phân phối và tận dịch vụ khách hàng. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nhân viên QA thực phẩm và có thể tìm được định hướng nghề nghiệp trong tương lai cho bản thân mình!
Vân Thanh