Khi tìm kiếm trên các diễn đàn về công nghệ thực phẩm, mình nhận thấy các bạn có nhiều rất nhiêu thắc mắc về cơ hội nghề nghiệp. Một trong số đó là câu hỏi “QC và KCS khác nhau như thế nào” hay câu hỏi như “Em có nên làm công việc KCS trong nhà máy thực phẩm?” Vậy thì bạn có thể tìm câu trả lời thông qua những thông tin được chúng mình tổng hợp sau đây nhé!
Phân biệt QC và KCS trong nhà máy thực phẩm
QC và KCS là đóng vai trò trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm trong các nhà máy thực phẩm. Hiện nay, các công ty ít có sự phân biệt giữa QC và KCS. Tại một số nhà máy vị trí KCS làm các công việc như QC và có khi QC bị gọi quen thành KCS! Tuy nhiên, giữa hai bộ phận này có một số điểm khác biệt cơ bản như sau:
KCS
- Vị trí: KCS (hoặc OTK) là bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng.
- Mục tiêu: Phát hiện và loại bỏ các sản phẩm lỗi trước khi đưa ra thị trường.
- Phạm vi: Chỉ kiểm tra sản phẩm cuối cùng.
- Thời gian phát hiện: Phát hiện sau khi sản phẩm được sản xuất ra.
- Chi phí chất lượng: Cao, do phát hiện lỗi sau khi sản phẩm đã được sản xuất ra.
QC
- Vị trí: QC là bộ phận kiểm soát chất lượng sản phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất.
- Mục tiêu: Ngăn ngừa các lỗi xảy ra trong quá trình sản xuất.
- Phạm vi: Kiểm tra từ nguyên liệu, quá trình sản xuất, môi trường, thiết bị, con người, bán thành phẩm đến thành phẩm.
- Thời gian phát hiện: Phát hiện sớm, ngay trong quá trình sản xuất.
- Chi phí chất lượng: Trung bình, do phát hiện lỗi sớm và ngăn ngừa được các lỗi nghiêm trọng.
Như vậy, sự khác biệt giữa QC và KCS là QC có nhiệm vụ rộng hơn KCS, bao gồm cả kiểm soát chất lượng sản phẩm cuối cùng. KCS chỉ tập trung vào kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng, nhằm phát hiện và loại bỏ các lỗi xảy ra.
KCS là gì?
KCS là từ ghép của 3 từ K (kiểm tra), C (chất lượng) và S (sản phẩm). Như tên gọi thì công việc của KCS chính là theo dõi, kiểm tra chất lượng sản phẩm sản xuất tại công đoạn quy định nhằm đảm bảo sản phẩm đạt các yêu cầu chất lượng.
Công việc của KCS trong nhà máy thực phẩm
Tùy vào quy mô và tính chất mỗi công ty, công việc của KCS có thể khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung công việc của nhân viên KCS trong nhà máy thực phẩm bao gồm các nhiệm vụ sau:
- Kiểm soát quy trình nhập nguyên liệu: Kiểm tra chất lượng nguồn nguyên liệu nhập vào, đảm bảo nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Giám sát quy trình sơ chế – chế biến – đóng gói sản phẩm: Theo dõi quá trình sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm để đảm bảo sản phẩm được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo chất lượng.
- Kiểm tra kho bảo quản hàng thành phẩm: Kiểm tra các thông số nhiệt độ, độ ẩm, tình trạng ẩm ướt, mối mọt, chuột trong kho bảo quản hàng thành phẩm để đảm bảo hàng hóa được bảo quản đúng quy trình, giữ nguyên chất lượng sản phẩm.
Tầm quan trọng của nhân viên KCS trong nhà máy thực phẩm
Hiện nay một số doanh nghiệp đã bỏ vị trí KCS để thay thế cho QC thực phẩm, những thực chất cả 2 công việc đều hướng đến yêu cầu sau:
- Đảm bảo chất lượng và an toàn của sản phẩm: Nhân viên KCS là những người trực tiếp kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao uy tín của doanh nghiệp.
- Tăng năng suất và hiệu quả sản xuất: Khi chất lượng và an toàn sản phẩm được đảm bảo, doanh nghiệp sẽ giảm thiểu được các rủi ro về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất.
- Tạo sự tin tưởng của khách hàng: Khi chất lượng và an toàn sản phẩm được đảm bảo, khách hàng sẽ tin tưởng và lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp. Điều này giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và lợi nhuận.
Có nên làm KCS sau khi tốt nghiệp Công nghệ thực phẩm
Vị trí KCS thực phẩm là một trong những vị trí phổ biến trong ngành công nghệ thực phẩm. Có nên làm KCS thực phẩm là một câu hỏi mà nhiều người quan tâm. Mình không thể đưa ra câu trả lời “có” hoặc “không” cho vấn đề này, tuy nhiên mình có thể cung cấp cho bạn 1 số điểm chính về đặc điểm công việc này:
- Cơ hội nghề nghiệp: Ngành công nghệ thực phẩm có nhu cầu nhân lực lớn, đặc biệt là ở các vị trí KCS. Do đó, cơ hội việc làm cho KCS thực phẩm là khá cao.
- Thu nhập: Thu nhập của KCS thực phẩm dao động từ 6-10 triệu đồng/tháng, tùy theo kinh nghiệm và năng lực.
- Điều kiện làm việc: KCS thực phẩm thường phải làm theo ca, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là đối với nữ giới.
Theo mình, việc có nên làm KCS thực phẩm hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mỗi người. Nếu bạn yêu thích ngành công nghệ thực phẩm và muốn có một công việc ổn định thì KCS thực phẩm là một lựa chọn đáng cân nhắc.
Tạm kết
Trên đây là những thông tin cơ bản về QC và KCS trong nhà máy thực phẩm. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hai vị trí này và có thể đưa ra quyết định đúng đắn cho bản thân.
Để tìm hiểu thêm về cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, bạn có thể tham khảo các bài viết khác trên website Foodtecher.vn!
>> Có thể bạn quan tâm Tại sao sinh viên Công Nghệ Thực Phẩm mông lung về sự nghiệp?
Vân Thanh (Tổng hợp)