Protein thịt từ không khí được tạo ra bằng cách sử dụng vi khuẩn để biến đổi carbon dioxide (CO2) thành protein. Quá trình này không cần đất, nước hay thức ăn chăn nuôi, có nghĩa là nó không thải ra khí nhà kính hoặc phá hủy môi trường.
>> Có thể bạn quan tâm Food trend: Những xu hướng thực phẩm mới vào cuối năm 2023
Bước phát triển vượt bật
Khởi nguồn cho ý tưởng này là vì những vấn đề về môi trường liên quan đến thực phẩm, đặc biệt là chăn nuôi. Chăn nuôi là một ngành kinh tế quan trọng, nhưng cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường. Ngoài chất thải chăn nuôi, khí thải N2O và CH4 cũng là những khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần làm nóng lên toàn cầu.
Thành công của công nghệ sản xuất Protein thịt từ không khí
Khi cuộc cách mạng về thực phẩm bắt đầu, các ông lớn đi đầu trong ngành bắt đầu khai thác mạnh ngành công nghiệp sản xuất thịt nhân tạo sử dụng tế bào gốc. Tuy nhiên như hiện thực đã chứng minh thì sau hơn 10 năm xuất hiện, công nghệ này vẫn chưa thật sự phổ biến và chưa giải quyết được câu hỏi về sản lượng và chi phí. Và đó cũng là lúc chúng ta bắt đầu nhìn sang sự thành công của công nghệ tạo ra protein từ CO2 nhờ vào công nghệ mới. Nghiên cứu này sau khi được ra mắt đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ và bắt đầu chứng minh được tính hiệu quả vượt trội.
Những ông lớn đằng sau công nghệ sản xuất Protein thịt từ không khí
Solar Food
Solar Foods, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Phần Lan, đã tạo ra thành công protein thịt nhân tạo tên Solein. Solein được tạo ra bằng cách sử dụng quy trình carbon dioxide, trong đó điện tái tạo và CO2 được sử dụng để tạo ra một loại bột màu vàng chứa đến 65% – 70% protein. Solein thân thiện với khí hậu gấp 100 lần so với các nguồn protein khác.
Để tạo ra Solein, Solar Foods sử dụng năng lượng tái tạo để phân tách các tế bào nước thành hydro và oxy. Sau đó, CO2 được kết hợp với hydro vừa phân tách để tạo thành một hỗn hợp. Hỗn hợp này sau đó được cung cấp cho các vi khuẩn, các vi khuẩn sẽ sử dụng hỗn hợp để tạo ra thành phần ăn được. Thành phần này chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, bao gồm sắt, chất xơ và vitamin B.
Air Protein
Nhà khoa học Lisa Dyson và John Reed đã thành lập công ty Air Protein với mục tiêu sản xuất loại protein thịt nhân tạo từ không khí. Công nghệ sản xuất của công ty này dựa trên ý tưởng của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), sử dụng khí CO2 trong không gian kín của tàu con thoi để chế biến thành thực phẩm cho phi hành gia.
Để tạo ra loại protein từ không khí, Air Protein sử dụng vi khuẩn hydrogenotrophic. Đây là loại vi khuẩn có thể tổng hợp ra tế bào sợi từ khí CO2. Các tế bào sợi này sau đó được lên men để tạo ra protein.

Quy trình sản xuất protein thịt từ không khí của Air Protein tương tự như quy trình sản xuất sữa chua hoặc rượu vang. Các nguyên liệu cần thiết bao gồm CO2, O2, Nthị, nước và các khoáng chất. Các nguyên liệu này được trộn lẫn và lên men trong các bể chứa lớn. Sau vài giờ, các vi khuẩn sẽ phân hủy CO2 và các nguyên liệu khác thành protein.
Sản phẩm thu được là loại bột màu nâu nhạt chứa đến 80% protein. Bột protein này có thể được sử dụng để chế biến thành các loại thịt thay thế, chẳng hạn như bít tết hoặc cá hồi phi lê.
Đánh giá công nghệ Protein thịt từ không khí
Trong một thế giới đang ngày càng nóng lên và cạn kiệt tài nguyên, protein thịt từ không khí có thể là một giải pháp cho cuộc khủng hoảng lương thực và môi trường. Protein thịt từ không khí có thể được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới, từ các thành phố đông đúc đến các vùng nông thôn hẻo lánh. Do đó, phát minh này có thể tiếp cận được với mọi người bất kể họ ở đâu. Bên cạnh đó, loại thịt này chứa các thành phần dinh dưỡng tương tự như thịt thật, bao gồm 9 loại acid amin, vitamin B12.

Tạm kết
Protein thịt từ không khí vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng nó có tiềm năng thay đổi cách chúng ta sản xuất và tiêu thụ thịt. Nếu được áp dụng rộng rãi, nó có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực và môi trường, đồng thời cung cấp cho mọi người trên thế giới nguồn protein lành mạnh và bền vững.
>> Có thể bạn quan tâm Thịt gà nhân tạo đã được thương mại hoá tại Mỹ
Vân Thanh