Nhân viên sản xuất thực phẩm là những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất thực phẩm, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm. Họ là những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm. Nếu bạn chưa biết về công việc này thì hãy đọc ngay bài viết sau đây của Foodtecher nhé!
Sự khác biệt giữa nhân viên sản xuất thực phẩm và công nhân
Nhiều người thường nhầm lẫn giữa nhân viên sản xuất và công nhân, cho rằng đây là một công việc giống nhau. Tuy nhiên, thực tế có sự khác biệt rõ rệt giữa hai vị trí này.
Công nhân là những người lao động trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, lắp ráp sản phẩm. Công việc của họ thường là các công đoạn đơn giản, lặp đi lặp lại, đòi hỏi sức khỏe và kỹ năng tay nghề.
Nhân viên sản xuất là những người có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản về một lĩnh vực sản xuất cụ thể. Công việc của họ đòi hỏi sự sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng làm việc nhóm.
Nhìn chung, có thể phân biệt nhân viên sản xuất và công nhân dựa trên các tiêu chí sau:
- Trình độ chuyên môn: Nhân viên sản xuất có trình độ chuyên môn cao hơn công nhân, được đào tạo bài bản về một lĩnh vực sản xuất cụ thể. Công việc này này thường yêu cầu trình độ cao đẳng hoặc đại học công nghệ thực phẩm/hóa học/vật liệu….
- Trách nhiệm công việc: Nhân viên sản xuất có trách nhiệm cao hơn công nhân, không chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất đơn giản mà còn tham gia vào các công đoạn phức tạp, đòi hỏi kỹ năng và kiến thức chuyên môn.
- Mức lương: Tùy vào quy mô công ty mà sự chênh lệch mức lương giữa nhân viên sản xuất và vị trí công nhân có thể thay đổi. Tuy nhiên, nhìn chung thì vị trí này sẽ có đãi ngộ hấp dẫn hơn so với lao động tay chân.
Công việc của nhân viên sản xuất trong nhà máy thực phẩm
Công việc nhân viên sản xuất
Tùy thuộc vào quy mô, ngành nghề và sản phẩm của nhà máy mà nhiệm vụ của nhân viên sản xuất có thể khác nhau, nhưng nhìn chung sẽ bao gồm các công việc sau:
- Theo dõi đơn đặt hàng thực phẩm và tiến độ sản xuất tại nhà máy nhằm đảm bảo theo kịp tiến độ sản xuất và đúng ngày xuất kho đã thống nhất với khách hàng;
- Trực tiếp vận hành các máy móc, thiết bị sản xuất. Khi có hư hỏng xảy ra cần xác định nguyên nhân và cách khắc phục sự cố nếu có để đáp ứng kịp tiến độ sản xuất đã đặt ra;
- Kiểm tra xây dựng định mức nguyên liệu theo kế hoặc sản xuất sản phẩm hàng tháng cho nhà máy;
- Khi có các sự cố xảy ra trong nhà máy ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, nhân viên sản xuất cần phối hợp và tìm cách khắc phục;
- Lập hồ sơ và báo cáo kết quả hàng ngày với cấp trên;
- Tính toán nguyên vật liệu cho số lượng sản phẩm cần sản xuất hàng tháng;
- Có thể thực hiện thêm các công việc khác theo sự chỉ đạo của cấp trên.

Công việc quản lý sản xuất
Khi bạn đã tích lũy đủ kinh nghiệm và đủ năng lực, bạn sẽ được nâng lên làm vị trí quản lý trong các nhà máy thực phẩm. Công việc của quản lý sản xuất trong các nhà máy thực phẩm là:
- Quản lý sản xuất sẽ chịu trách nhiệm về hiệu quả công việc của toàn bộ nhân viên trong phòng Kế hoạch, bao gồm việc lập kế hoạch sản xuất, quản lý kho nguyên vật liệu, thành phẩm, và giám sát quá trình sản xuất.
- lập kế hoạch nguyên vật liệu cần cho sản xuất hằng ngày, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và không bị thiếu hụt.
- Chịu trách nhiệm hoạch định và quản lý vật tư, thành phẩm, sản xuất, đảm bảo thực hiện mục tiêu sản xuất của nhà máy.
- Giám sát các quá trình làm việc tại Hệ thống kho nguyên liệu, thành phẩm đảm bảo quá trình này diễn ra hiệu quả và an toàn.
- Quản lý và phân công thực hiện các công việc lập kế hoạch cho sản xuất, đánh giá mức độ hoàn thành, và thực hiện điều chỉnh nếu cần.
- Lên lịch trình kiểm soát kế hoạch hàng quý, tháng, tuần, ngày, để kịp thời phát hiện và đưa ra các hoạt động điều chỉnh, hỗ trợ cần thiết.
- Quản lý tồn kho min – max, cân bằng số lượng nguyên vật liệu và thành phẩm, đảm bảo không bị thiếu hụt hoặc dư thừa.”
- Quản lý thiết bị máy móc nhà máy, đảm bảo thiết bị hoạt động hiệu quả và an toàn.
- Tuyển dụng và đào tạo nhân sự cho phòng Kế hoạch.
- Lập báo cáo định kỳ về tình hình sản xuất, kinh doanh của nhà máy.

Cơ hội học hỏi ở vị trí nhân viên sản xuất
Với nội dung mô tả công việc “dày đặc” như vậy thì chắc chắn có thể khẳng định rằng Vị trí nhân viên sản xuất thực phẩm sẽ mang đến cho sinh viên nhiều cơ hội học hỏi.
Thông qua quá trình làm việc, bạn sẽ được tiếp thu các kiến thức kinh nghiệm trên quy trình sản xuất sản phẩm ở mức tổng quan nhất. Tức là bạn được tham gia đầy đủ công việc từ khâu nguyên liệu đến khâu thành phẩm do đó, xét về mức độ hiểu biết sẽ cao hơn cả QC/KCS.
Bạn có rèn luyên kỹ năng xây dựng, kiểm tra và giám sát quy trình sản xuất thực phẩm để năng suất và chất lượng đáp ứng yêu cầu từ các cấp quản lý.

Để hoàn thành tốt các công việc của nhân viên sản xuất, bạn sẽ cần có kỹ năng về quan sát, tầm nhìn xa, tính tỉ mỉ và cẩn thận trog công việc. Do đó đây là một vị trí cho phép bạn rèn luyện rất nhiều kỹ năng mềm quan trọng.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức
Tạm kết
Nhìn chung thì công việc nhân viên sản xuất là một công việc hấp dẫn với những ai mong muốn học hỏi, rèn luyện và phát triển bản thân. Công việc này đỏi hỏi chịu cực và khó khăn như làm việc theo ca, chịu áp lực cao, liên tục cố gắng. Tuy nhiên, nếu chịu quan sát và tìm tòi, bạn sẽ có thể nắm chắc được quy trình sản xuất và có khả năng giải quyết tình huống nếu xảy ra cũng như tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá cho bản thân.
Hy vọng bài viết này đã cho bạn những định hướng đúng đắn về công việc sản xuất nói riêng và các công việc khá trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm nói chung. Nếu bạn có quan tâm đến các nội dung này, hãy theo dõi Foodtecher.vn để cập nhật thêm những thông tin bổ ích nhé!
Vân Thanh (Tổng hợp)