Đắn đo khi làm sale thực phẩm: Phân biệt sale và technical sale, so sánh technical sale, QC/KCS, R&D
Bạn là sinh viên ngành công nghệ thực phẩm và đang phân vân không biết sau khi ra trường sẽ làm gì? Bạn muốn tìm một công việc có thu nhập cao, cơ hội thăng tiến tốt và phù hợp với chuyên môn của mình? Nếu vậy, hãy cân nhắc theo đuổi công việc sale thực phẩm. Đây là một công việc cực kỳ hấp dẫn, mang lại nhiều cơ hội cho các bạn trẻ năng động, yêu thích kinh doanh.
>> Xem thêm Kỹ sư kinh doanh, một việc làm đủ sức hấp dẫn kỹ sư công nghệ thực phẩm?
Đắn đo khi làm sale?
Có rất nhiều bạn đang băn khoăn không biết có nên theo đuổi nghề sale hay không? Bạn lo lắng về những khó khăn, rủi ro của công việc này?
Sales là gì?
Sales là công việc bán hàng, tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ. Đây là một công việc quan trọng trong bất kỳ doanh nghiệp nào, bởi nó là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng.

Tại sao nhiều người ngại làm sales?
Có nhiều lý do khiến nhiều người ngại làm sales, bao gồm:
- Quan niệm xã hội: Sales thường bị coi là nghề không có gì cao sang, thậm chí là lừa đảo.ư
- Quan niệm sai lầm: Nhiều người nghĩ rằng sales chỉ cần nhanh mồm, nhanh miệng, không cần kiến thức hay kỹ năng gì.
- Áp lực công việc: Sales thường phải làm việc với nhiều áp lực, từ khách hàng, từ doanh nghiệp
Ngoài ra phần đông các bạn đều nghĩ rằng Sale là công việc dành cho người hướng ngoại và phần đông sinh viên học ngành Kỹ thuật đều hướng nội, ngại giao tiếp và kết nối nên sẽ không phù hợp với các công việc sale hay bán hàng.
Bạn có nghĩ những quan điểm trên là đúng?
Xin đừng gọi là sale mà hãy gọi là technical sale!
Có một thực tế là, khi nói đến sale, nhiều người thường nghĩ ngay đến hình ảnh những người bán hàng “dẻo mồm, nhanh miệng”, chỉ cần khéo nói là có thể bán được hàng. Theo cách hiểu này thì những nhân viên kinh doanh phụ gia thực phẩm, máy thiết bị thực phẩm hay các sản phẩm thực phẩm nên được gọi với tên gọi Technical sale.
Technical sale là một thuật ngữ dùng để chỉ những người bán hàng có chuyên môn về sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ đang bán. Họ không chỉ cần có kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, mà còn cần có kiến thức sâu rộng về sản phẩm, thị trường và khách hàng.
Tại sao cần phân biệt giữa sales và technical sale?
Có một số lý do chính sau:
- Để khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm: Technical sale có kiến thức chuyên môn về sản phẩm, giúp họ có thể tư vấn và giải đáp thắc mắc của khách hàng một cách chính xác và đầy đủ. Do đó sẽ giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm và đưa ra quyết định mua hàng đúng đắn.
- Để nâng cao hiệu quả bán hàng: Technical sale có thể thuyết phục khách hàng mua hàng một cách hiệu quả hơn, bởi họ có thể hiểu và giải quyết được các vấn đề của khách hàng.
- Để tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp: Technical sale giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng.

Nếu bạn còn đang phân vân, hãy để Foodtecher so sánh 3 công việc technical sale, QC/KCS, R&D cho bạn nghe nhé!
Mô tả công việc
QC/KCS: Kiểm tra chất lượng của nguyên liệu, vật liệu, phụ kiện, bán thành phẩm, thành phẩm, sử dụng các công cụ và phương pháp kiểm tra chất lượng,đánh giá kết quả kiểm tra chất lượng, lập báo cáo về chất lượng sản phẩm, dịch vụ…
R&D: Phát triển sản phẩm mới đáp ứng xu hương tiêu dùng cũng như nhu cầu của đối tượng khách hàng mục tiêu, cải tiến công thức sản phẩm khi có yêu cầu, đưa ra cách khắc phục khi có sự cố đối với sản phẩm,…
Technical sale: Tìm kiếm và tiếp cận khách hàng tiềm năng, giới thiệu và tư vấn sản phẩm cho khách hàn, giải đáp các thắc mắc của khách hàng về sản phẩm, thuyết phục khách hàng mua sản phẩm, theo dõi và chăm sóc khách hàng sau bán hàng.
Cơ hội thăng tiến
QC/KSC: Thông thường sau khi làm QC tại các nhà máy nhỏ trong vòng 1- 2 năm, các bạn có thể chuyển sang làm QC tại các công ty lớn, công ty đa quốc gia (Tuy nhiên vẫn sẽ làm việc theo ca nhưng phúc lợi và môi trường làm việc sẽ cải thiện hơn), sau khi làm 1 thời gian, các bạn có thể thăng tiến lên các vị trí quản lý như trưởng nhóm QC, trưởng phòng QC,…
R&D: Tại một số công ty chuyên về phát triển sản phẩm sẽ có sự phân cấp như trợ lý R&D, nhân viên R&D, chuyên viên R&D, trưởng phòng R&D,… Tương ứng với mỗi chức vụ, các bạn cần có thời gian cống hiến nhất định cho công ty và thời gian này dài hay ngắn phụ thuộc vào chính sách công ty cũng như các dự án thành công mà bạn đã thực hiện.
Technical sale: Thông thường cơ hội thăng tiến của 1 technical sale khá cao. Lộ trình thăng tiến thường là từ nhân viên technical sale lên trưởng nhóm kinh doanh, trưởng phòng kinh doanh và có thể lên đến giám đốc kinh doanh. Lộ trình thăng tiến này thường không phụ thuộc vào số năm kinh nghiệm mà sẽ phụ thuộc vào thành tích mà bạn đạt được.

Mức lương
QC/KSC: Mức lương khởi điểm của vị trí này thường rơi vào khoảng 5 – 7 triệu/tháng tại các cơ sở kinh doanh nhỏ và 6 – 8 triệu/tháng tại các công ty vừa và lớn.
R&D: So với QC thì công việc R&D có mức lương hấp dẫn hơn, sinh viên vừa tốt nghiệp khi vào làm R&D thì mức lương cơ bản sẽ là từ 8 triệu/tháng.
Technical sale: Lương và chế độ đãi ngộ của vị trí kinh doanh luôn hấp dẫn, đặc biệt là khoản hoa hồng tính theo % doanh thu bán hàng. Nếu bạn chăm sóc khách hàng tốt và cung cấp sản phẩm chất lượng, khách hàng sẽ quay lại mua hàng nhiều lần, giúp bạn có nguồn thu nhập thụ động đáng kể.
Tạm kết
Sale thực phẩm là một công việc cực kỳ hấp dẫn. Nếu bạn tốt nghiệp đại học công nghiệp thực phẩm và chuyển hướng sang làm sale thực phẩm thì các công ty tuyển dung sẽ rất săn đón. Bởi lẽ một điều hiển nhiên là bạn sẽ hiểu rõ về mặt hàng mình hơn và nếu chưa có kiến thức thức sale thì chỉ cần đào tạo trong thời gian ngắn còn nếu chưa có kiến thức cơ bản của ngành thực phẩm thì cần thời gian đào tạo khá dài. Còn điều gì bạn ngần ngại về vị trí technical sale hay kỹ sư kinh doanh thực phẩm, đừng ngần ngại hãy comment bên dưới để chúng mình cùng thảo luận nhé!
Vân Thanh