Việc làm

Cần biết gì để thành công tìm kiếm việc làm trong ngành Công nghệ thực phẩm

Story Highlights
  • Việc làm bạn có thể ứng tuyển khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm?
  • Nguyên nhân chính khiến ứng viên khó thành công khi tìm việc, ngoài một số yếu tố khách quan, là do định mức lương sai.
  • Bắt đầu tìm việc làm ở công ty thực phẩm lớn
  • Bạn có thể tìm việc làm ở công ty thực phẩm vừa và nhỏ
  • Bạn có thể bị rớt ngay ở vòng CV!

Bài viết này không phải là bài chuyên sâu hay bài viết được cập nhật mới nhất cho các bạn sinh viên đang trên con đường tìm việc làm. Tuy nhiên đây là kiến thức cơ bản mà bất cứ cử nhân Công nghệ thực phẩm nào cũng cần nắm rõ trước khi bắt đầu đi vào chuyên sâu bài học cuộc đời mang tên “Tìm việc”. Được rồi sau đây sẽ là những giải đáp cho các bạn về:

  • Các công việc bạn có thể làm khi trở thành cử nhân Công nghệ thực phẩm;
  • Các công ty mà bạn có thể ứng tuyển;
  • Định mức lương khi vừa tốt nghiệp.

Đây là kiến thức cơ bản mà bất cứ cử nhân thực phẩm nào cũng cần biết trước khi bắt đầu đi vào chuyên sâu trong bài học mang tên Tìm việc làm

Thời điểm này, khi đại dịch Covid 19 đã qua đi được 3 năm nhưng những hậu quả về kinh tế nó để lại vẫn khá lớn. Nói riêng đến tình hình việc làm trong thời gian này thì “Ôi thật nhiều đau thương”. Tình trạng nộp 1001 chiếc CV cho nhà tuyển dụng nhưng không có đến 1 người phản hồi đã không còn quá xa lạ, tình trạng bắt đầu công việc một thời gian ngắn nhưng cảm thấy mình không phù hợp và bắt đầu nhảy việc hay xin lời khuyên để nhảy việc cũng khá phổ biến. Vậy đâu là điều cốt lõi mà chúng ta tên biết trước khi bắt đầu tìm việc để bản thân dễ thành công hơn?

>> Có thể bạn quan tâm Tại sao sinh viên Công Nghệ Thực Phẩm mông lung về sự nghiệp?

Việc làm bạn có thể ứng tuyển khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm?

Một số bạn cảm thấy ngành Công nghệ thực phẩm có rất ít cơ hội việc làm và đa phần sẽ chỉ có thể xin việc trong các nhà máy thực phẩm với các chức vụ như QC, QA, R&D. Đây là 1 tư duy hoàn toàn sai lầm, đó là vì các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm và tầm nhìn rộng hơn. Ngành Công nghệ thực phẩm thật ra có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn bạn nghĩ đấy!

Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm, sinh viên có thể làm việc tại nhiều vị trí khác nhau trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Từ các công ty sản xuất, kinh doanh nguyên liệu, phụ liệu, sản phẩm thực phẩm, máy thiết bị thực phẩm, công ty tư vấn, nghiên cứu, đến các cơ quan nhà nước quản lý an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, sinh viên cũng có thể trở thành chuyên gia tư vấn dinh dưỡng, dinh dưỡng lâm sàng tiết chế, làm việc tại các bộ phận đảm bảo chất lượng, kiểm nghiệm của các trung tâm dinh dưỡng, trung tâm y tế và y tế dự phòng.

Dưới đây là 1 số chức vụ cụ thể khi tìm việc làm

  • Nhân viên kiểm định chất lượng (QA);
  • Nhân viên quản lý chất lượng (QC);
  • Chuyên viên/Nhân viên/Trợ lý nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D);
  • Kỹ sư sản xuất (Production engineer);
  • Nhân viên bếp;
  • Chuyên gia dinh dưỡng (Nutritionist);
  • Kỹ thuật viên sản xuất;
  • Nhân viên phòng thí nghiệm (Laboratory staff), với những công ty chuyên về các kiểm định sẽ có các vị trí như Team Leader cho riêng mỗi loại Test hay có cả Supervisor để quản lý các team leader;
  • Nhân viên bộ phận thu mua;
  • Nhân viên vận hành máy;
  • Giám sát viên sản xuất (Production supervisor);
  • Kỹ sư kinh doanh (Sale Engineer) các sản phẩm máy thiết bị, công nghệ, sản phẩm thực phẩm.

Nguyên nhân chính khiến ứng viên khó thành công khi tìm việc, ngoài một số yếu tố khách quan, là do định mức lương sai

Ứng viên mới ra trường thường làm các công việc cơ bản, do đó mức lương khởi điểm thường dao động trong khoảng 6 – 8 triệu đồng/tháng. Sau khi tích lũy kinh nghiệm, chuyên môn, ứng viên có cơ hội thăng tiến lên các vị trí cao hơn với mức lương cao hơn. Mức lương của các chuyên viên, kỹ sư, quản lý, giám sát bộ phận có thể lên tới 2.000 – 5.000 USD/tháng.

Ứng viên cần lưu ý rằng, mỗi công ty đều có mức lương quy định cho từng vị trí cụ thể. Việc đòi hỏi mức lương cao hơn ngân sách công ty dành cho vị trí đó sẽ khiến ứng viên thất bại trong quá trình ứng tuyển. Ứng viên có thể chấp nhận mức lương cơ bản và cống hiến để doanh nghiệp thấy được năng lực của mình. Sau khi được tuyển dụng, ứng viên có thể đàm phán mức lương cao hơn dựa trên kết quả làm việc.

Đây là kiến thức cơ bản mà bất cứ cử nhân thực phẩm nào cũng cần biết trước khi bắt đầu đi vào chuyên sâu trong bài học mang tên Tìm việc làm
Nếu định hướng tìm việc làm R&D thì ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn nên tham gia các cuộc thi phát triển sản phẩm, khởi nghiệp để tích cóp thành tích “làm đẹp” cho CV

Trường hợp ngược lại, các ứng viên đưa ra mức lương quá thấp so với “bản vẽ vĩ đại” họ vẽ trên CV cũng có thể khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ về tính chân thật của hồ sơ, nhà tuyển dụng cũng có thể nghĩ rằng ứng viên này chưa có đủ tự tin hoặc chưa thật sự hiểu về thị trường tuyển dụng. Do đó, sự “phù hợp” là điều rất quan trọng. Các bạn có thể tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm như giảng viên ở trường, các anh chị khóa trên cũng đang làm công việc đó, các cộng đồng về Công nghệ thực phẩm,… để xin ý kiến.

Bắt đầu tìm việc làm ở công ty thực phẩm lớn

Các công ty lớn trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống của Việt Nam và các công ty liên doanh nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Việt Nam luôn tìm kiếm nhân sự giỏi cho nhiều vị trí trong ngành công nghệ thực phẩm.

Một nhân viên kiểm soát chất lượng trong các công ty lớn sẽ có quy trình làm việc chuẩn

Làm việc tại các công ty này, sinh viên sẽ có cơ hội học hỏi phong cách làm việc chuyên biệt và chuyên nghiệp, cũng như tiếp cận với những công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.

Để có cơ hội thành công khi phỏng vấn, sinh viên cần cân nhắc kỹ lưỡng công ty mục tiêu phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân.
Công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Tân Hiệp Phát, Hữu Nghị Food, Kinh Đô, Sài Gòn Food, Trung Nguyên, Vinamilk, TH True Milk, Vinacafe, Masan, Vissan, Cholimex,…
Công ty liên doanh nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia: Pepsico, Coca – cola, Heineken, Nestlé, Sabeco, Abbott, Zagro, Carlberg, Ajinomoto, Kewpie, Cargill,…

Bạn có thể tìm việc làm ở công ty thực phẩm vừa và nhỏ

Các công ty vừa và nhỏ là lựa chọn phù hợp để sinh viên mới ra trường bắt đầu sự nghiệp. Tại đây, sinh viên có thể tích lũy kinh nghiệm thực tế và chuyên môn, tạo bước đệm vững chắc để thăng tiến trong tương lai.

Cơ hội học hỏi tại các công ty này cao hơn, rộng mở hơn bởi vì sinh viên được tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với quản lý, lãnh đạo. Việc học hỏi từ họ sẽ cho sinh viên nhiều điều quý giá mà khi làm việc tại các tập đoàn lớn không có được.

Để tìm việc làm tại các công ty vừa và nhỏ, sinh viên có thể theo dõi website, fanpage của doanh nghiệp hoặc các trang đăng tin tuyển dụng chuyên nghiệp.

Một lưu ý quan trọng là trước khi phỏng vấn, sinh viên cần tìm hiểu về văn hóa, sản phẩm, thông tin của doanh nghiệp và các yêu cầu công việc. Điều này sẽ giúp sinh viên được đánh giá cao hơn trong mắt nhà tuyển dụng.

Một số ví dụ cụ thể về cơ hội học hỏi của các bạn sinh viên công nghệ thực phẩm tại các công ty vừa và nhỏ:

  • Sinh viên có thể được tham gia vào các dự án thực tế, từ đó học hỏi cách vận hành dây chuyền sản xuất, kiểm soát chất lượng,…
  • Sinh viên có thể được trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, từ đó học hỏi cách giao tiếp, giải quyết vấn đề,…
  • Sinh viên có thể được tham gia vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn của doanh nghiệp.

Bạn có thể bị rớt ngay ở vòng CV!

Sau khi tìm được công việc ưng ý, ứng viên cần nhanh chóng chuẩn bị bộ hồ sơ xin việc để tránh lỡ thời gian tuyển dụng. CV cần thể hiện một cách hệ thống, đầy đủ nhưng súc tích các thông tin về bằng cấp, kiến thức chuyên môn, kỹ năng cá nhân đặc biệt của ứng viên.

Đây là kiến thức cơ bản mà bất cứ cử nhân thực phẩm nào cũng cần biết trước khi bắt đầu đi vào chuyên sâu trong bài học mang tên Tìm việc làm
Trong 4 ứng viên đến ứng tuyển tại cùng 1 công ty, nếu CV của bạn có điểm nhấn và hình thức tốt thì bạn đã thành thông hơn 3 bạn còn lại ngay cả khi học vấn và kinh nghiệm của bạn còn kém

Công nghệ thực phẩm là ngành có nhiều yêu cầu đặc thù, do đó việc nhấn mạnh vào chuyên môn là quan trọng nhất, sau đó là kinh nghiệm và kỹ năng.

Ứng viên cần lưu ý mang theo bộ hồ sơ khi phỏng vấn, ngay cả khi đã nộp CV online. Đây là hành động thể hiện sự chuyên nghiệp và tâm huyết của ứng viên, giúp họ có cơ hội thuyết phục nhà tuyển dụng chọn mình.

Tạm kết

Trên đây là những thông tin cơ bản về việc làm dành cho sinh viên ngành công nghệ thực phẩm. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn sinh viên có cái nhìn tổng quan về thị trường lao động và chuẩn bị tốt cho quá trình tìm kiếm việc làm.

Để có thể thành công trong công việc, các bạn sinh viên cần trang bị cho mình kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng mềm và kinh nghiệm thực tế. Ngoài ra, các bạn cũng cần tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tình nguyện để trau dồi kỹ năng mềm và tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

Chúc các bạn sinh viên ngành công nghệ thực phẩm sớm tìm được công việc phù hợp và thành công trong sự nghiệp. Nếu các bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến học tập và cơ hội việc làm ngành công nghệ thực phẩm, các bạn có thể tham gia group Cộng đồng dân Công nghệ thực phẩm để trao đổi nhé!

Vân Thanh

Bài liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button